HOTLINE: + 84 226.625.5159

Du lịch Hà Nam – Tiềm năng và định hướng phát triển

Du lịch Hà Nam – Tiềm năng và định hướng phát triển

Hà Nam là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, phía Bắc giáp với Hà Nội, phía Đông giáp với tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, phía Nam giáp tỉnh Ninh Bình, Đông Nam giáp tỉnh Nam Định và phía Tây giáp tỉnh Hoà Bình, diện tích khoảng 851,5km2, dân số khoảng 790.000 người. Hà Nam nằm ở cửa ngõ quan trọng của các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Nam của thủ đô Hà Nội, trên tuyến du lịch xuyên Việt nên có lợi thế so sánh rất quan trọng để thu hút mạnh mẽ thị trường khách du lịch xuyên Việt và thị trường khách du lịch cuối tuần của Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận. Đây là một trong những điều kiện tốt để du lịch Hà Nam phát triển
Tài nguyên du lịch tự nhiên của Hà Nam khá phong phú và tương đối đặc thù. Đặc biệt, địa hình nhiều núi đá vôi kết hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều đã mang lại cho Hà Nam nhiều cảnh quan đặc sắc dạng Karst với những thắng cảnh nổi tiếng như: Hồ Tam Chúc, Hồ Ba Hang, Ngũ Động Sơn, hang Luồn, Kẽm Trống, Bát Cảnh Tiên… Bên cạnh đó, hệ thống sông hồ dày đặc với vẻ đẹp thơ mộng của sông Hồng, sông Đáy, sông Châu cùng với hệ sinh thái nông nghiệp vùng chiêm trũng điển hình là những nét độc đáo, có khả năng phát triển du lịch.
Về tài nguyên du lịch nhân văn, các di tích lịch sử tuy không nhiều nhưng có giá trị khá nổi bật như: Đền Trần Thương, Đền Lảnh Giang, chùa Bà Đanh, chùa Long Đọi Sơn, đền Trúc… cùng với hệ thống lễ hội tiêu biểu như Lễ hội Tịch Điền – Đọi Sơn, Lễ phát lương đền Trần Thương … và các làng nghề đặc sắc như làng nghề trống Đọi Tam, dệt Nha Xá, gốm Quyết Thành, mây giang đan Ngọc Động, sừng mỹ nghệ Đô Hai… Hà Nam còn là đất khoa bảng với những danh nhân nổi tiếng trong lịch sử dân tộc như Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, nhà văn liệt sỹ Nam Cao.
Ẩm thực Hà Nam dân dã, mang đậm hồn cốt của vùng quê chiêm trũng như: gạo tám, bánh đúc, cá kho, canh cua, trai, hến, bánh đa cá rô đồng, bánh cuốn chả, dưa cà, ốc đồng… Đặc biệt là món cá kho nổi tiếng của làng Đại Hoàng (hay còn gọi là cá kho Nhân Hậu). Mỗi món ăn thể hiện sự đậm đà, tinh tế, khiến du khách đến Hà Nam dù chỉ thưởng thức một lần cũng thật khó quên.
Tài nguyên Hà Nam phân bố khá tập trung và dễ tiếp cận, nằm trên các tuyến du lịch chính của quốc gia và gần các điểm du lịch nổi tiếng cả nước như: Chùa Hương, Bái Đính, Tràng An, Hoa Lư, Đền Trần, Phố Hiến… đặc biệt rất gần thủ đô Hà Nội. Có thể nói, vị trí thuận lợi và tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú là những điều kiện tốt để Hà Nam phát triển du lịch.
Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh, Tổng cục Du lịch về công tác quy hoạch, kế hoạch và tập trung đầu tư hạ tầng, du lịch Hà Nam phát triển khá nhanh. Nhiều khu, điểm du lịch đã được quy hoạch, các dự án du lịch trọng điểm vẫn tiếp tục được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản phẩm như khu du lịch Tam Chúc, điểm du lịch Đền Trúc – Ngũ Động Sơn, chùa Bà Đanh, chùa Long Đọi Sơn, đền Lảnh Giang, khu lưu niệm Cát Tường, đền Trần Thương, từ đường Nguyễn Khuyến, điểm du lịch nhân văn Nam Cao… Cơ sở vật chất của ngành cũng không ngừng được xây dựng. Hiện nay Hà Nam có 01 khách sạn 3 sao, 16 khách sạn 1 – 2 sao, 50 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lich với tổng số 950 buồng và 11 đơn vị kinh doanh lữ hành. tổng mức đầu tư ước đạt trên 5.000 tỷ đồng.
Số lượt khách đến với Hà Nam không ngừng gia tăng. Năm 2012, Hà Nam đón khoảng 450.000 lượt khách, trong đó có khoảng 12.100 lượt khách quốc tế và 437.900 lượt khách nội địa. thời gian lưu trú trung bình xấp xỉ 1,5 ngày. Doanh thu đạt 81,5 tỷ đồng. Đây là bước khởi đầu cho sự phát triển đi lên của du lịch Hà Nam.
Tuy nhiên, so với các tỉnh bạn, những kết quả đạt được của du lịch Hà Nam vẫn còn rất khiêm tốn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch còn hạn chế, sản phẩm du lịch chưa thực sự phong phú, hấp dẫn, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, Hà Nam tập trung đầu tư phát triển một số khu, điểm du lịch với các loại hình chính là du lịch văn hóa – tâm linh, nghỉ dưỡng và thể thao. Đặc biệt, huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc, phấn đấu đến năm 2015 sẽ đón khách du lịch đến tham quan. Đây là điểm đột phá để thúc đẩy du lịch Hà Nam phát triển mạnh trong những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, Hà Nam cũng tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống dịch vụ …để hỗ trợ cho sự phát triển của du lịch.
Về định hướng phát triển sản phẩm du lịch: Du lịch Hà Nam lấy khu du lịch Tam Chúc là hạt nhân để phát triển các nhóm sản phẩm:
– Nhóm sản phẩm chính gồm: Nhóm sản phẩm du lịch tâm linh, nhóm sản phẩm du lịch tự nhiên và nhóm sản phẩm du lịch văn hoá.
– Nhóm sản phẩm liên kết gồm: Nhóm sản phẩm liên kết quốc gia, vùng (Tour du lịch tâm linh, Tour du lịch sông Hồng), nhóm sản phẩm tổng hợp và nhóm sản phẩm chuyên đề.
Về định hướng tổ chức không gian và tuyến, điểm du lịch: Du lịch Hà Nam phát triển theo 2 trục chính:
– Trục Bắc – Nam: Dọc theo tuyến du lịch xuyên Việt dọc quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc Nam và đường sắt Bắc Nam.
 Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về mặt chủ trương xây dựng tuyến đường sắt trên cao nối từ Mỹ Đình (Hà Nội) qua Tam Chúc (Hà Nam) tới Bái Đính (Ninh Bình). Đây có thể coi là trục tâm linh quan trọng của du lịch Hà Nam, bởi lẽ nó kết nối các trung tâm du lịch tâm linh lớn trong vùng là Chùa Hương, Tam Chúc và Bái Đính.
– Trục Đông – Tây: Dọc theo đường quốc lộ 21A, 21B cũng như khai thác các tuyến du lịch sông Đáy, sông Châu, kết nối các điểm du lịch quan trọng như Chùa Hương, Tam Chúc, điểm du lịch nhân văn Nam Cao, Đền Trần Thương, Đền Trần Nam Định…
Nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu tham quan của du khách, hiện nay Hà Nam đã và đang hình thành một số tuyến du lịch hấp dẫn như:
– Tuyến du lịch xuyên Việt (theo quốc lộ 1A). Các điểm du lịch trên tuyến gồm: Hà Nội, Phủ Lý, Tam Chúc, Bái Đính, Tràng An, Hoa Lư.
– Tuyến du lịch theo trục tâm linh (đường liên tỉnh Bái Đính – Tam Chúc – Chùa Hương). Các điểm du lịch trên tuyến gồm: Chùa Hương, Tam Chúc, Ngũ Động Sơn, chùa Bà Đanh, Bái Đính, Tràng An.
– Tuyến Quảng Ninh – Hải Dương – Hưng Yên – Hà Nam – Ninh Bình (theo quốc lộ 38). Các điểm du lịch trên tuyến gồm: Yên Tử, Côn Sơn – Kiếp Bạc, Phố Hiến, Đền Lảnh Giang, làng trống Đọi Tam, Tam Chúc, Bái Đính.
– Tuyến duyên hải Bắc Bộ: Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Hà Nam (theo quốc lộ 10). Các điểm du lịch trên tuyến gồm: Yên Tử, Đồ Sơn, TP Hải Phòng, Khu du lịch Đồng Châu, Đền Trần, Phủ Dầy.
– Tuyến Hà Nội – Hà Nam – Nam Định – Thái Bình (theo quốc lộ 21). Các điểm du lịch trên tuyến gồm: Chùa Hương, Phủ Lý, Tam Chúc, điểm du lịch nhân văn Nam Cao, đền Trần, đền Bảo Lộc, Phủ Dầy, khu du lịch Đồng Châu.
– Tuyến Tây Bắc: Các tỉnh Tây Bắc – Hoà Bình – Hà Nam – Hà Nội – Ninh Bình (về Hà Nam theo quốc lộ 21). Các điểm du lịch trên tuyến gồm: Chùa Tiên, Tam Chúc, Chùa Hương, Bái Đính, Tràng An.
– Tuyến du lịch sông Hồng kết nối Hà Nội – Hưng Yên – Hà Nam – Thái Bình – Nam Định. Trên địa phận Hà Nam có các điểm tham quan như: Đền Lảnh Giang, đền Bà Vũ, đền Trần Thương, điểm du lịch nhân văn Nam Cao, làng Vũ Đại.
Trong tương lai gần, được sự quan tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cùng với các tỉnh bạn trong việc liên kết phát triển du lịch chung của khu vực đồng bằng sông Hồng và nỗ lực vươn lên, hy vọng du lịch Hà Nam sẽ có bước phát triển mới, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách.